Hoằng pháp Đại_Huệ_Tông_Cảo

Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo

Năm 1126, đầu niên hiệu Tĩnh Khang, thừa tướng Lữ Thuấn Đồ tâu vua về công hạnh của sư và vua ban cho sư cà sa tử y và sắc phong hiệu là Phật Nhật Thiền Sư.

Năm 1137, niên hiệu Thiện Hưng thứ 7, có quan thị lang là Trương Cửu Thành thỉnh sư đến trụ trì ở Năng Nhân Thiền Tự, Kính Sơn phủ Lâm An, môn đệ khắp bốn phương tấp nập đến tham vấn rất đông, đồ chúng trụ tại chùa thường có đến cả ngàn người. Cách giáo hoá của Sư như vũ bão, thiền phong đánh, hét mạnh mẽ, tông phong đại thịnh, có thể gọi là cơ phong giáo hóa, tiếp dẫn người học tiêu biểu cho tông Lâm Tế hệ phái Dương Kì sau này.

Một vị tăng vừa vào cửa, Sư bảo: Chẳng phải, đi ra! Vị tăng liền ra, Sư bảo: Không lường đại nhân, bị trong ngữ mạch chuyển. Kế một vị tăng vào, Sư bảo: Chẳng phải, đi ra! Vị tăng đến gần, Sư bảo: Ðã nói với ông chẳng phải, lại đến gần tìm cái gì! và đánh đuổi ra. Lại một vị tăng vào nói: Hai vị tăng vừa rồi không hiểu ý Hoà thượng. Sư liền cúi đầu : Hư! một tiếng. Vị tăng này mù mịt không biết thế nào, Sư liền đánh đuổi ra và nói: Lại là ông hiểu ý Lão tăng! Lại một vị tăng vào. Sư hỏi: Vừa rồi có hai vị Thượng toạ một người biết nắm chẳng biết buông, một người biết buông mà chẳng biết nắm, ông lại biện được chăng? Tăng thưa: Tất cả lĩnh thụ rồi. Sư bảo: Sau khi lĩnh thụ rồi có tin tức tốt nào khác chăng? Vị tăng vỗ tay một cái liền ra. Sư bảo: Sau ba mươi năm ngộ đi vậy.

Năm 1141, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 11, quan thị lang Trương Cửu Thành đến Kính Sơn theo sư học Thiền, tình cờ bàn luận với sư về tình hình triều chính đương thời. Bấy giờ Tần Cối thao túng quyền lực trong triều đình, âm mưu nghị hòa với người Kim, còn Trương Cửu Thành thuộc phe chủ chiến trong triều đình. Tần Cối dùng quyền lực uy hiếp, tiêu diệt bất cứ những ai không cùng ý kiến với mình. Tần Cối bèn bắt giam, xử tội Trương Cửu Thành, còn sư vì giáo hóa Trương Cửu Thành nên bị Tần Cối gán tội bè đảng và bị tước pháp phục cà sa, chứng điệp và bị đày đến Hành Châu ( Hành Dương, Hồ Nam). Tại đây, sư tiếp tục giáo hóa, phát triển tông môn, người học vẫn quy tu về đây theo sư tham học. Trong thời gian này, sư thu nhặt cơ duyên ngộ đạo, pháp ngữ của các bậc thiền sư, cổ đức, các công án ở trong các quyển Ngữ Lục, rồi cùng thảo luận với các đệ tử và soạn ra bộ Chính Pháp Nhãn Tạng gồm 6 quyển.

Năm 1150, sư lại bị đày đến vùng Mai Châu, Quảng Đông. Nơi đây là vùng chướng khí không thích hợp cho người ở, dễ bị mắc các bệnh dịch. Vì thế đồ chúng tham học ở đây với sư khoảng 100 người thì mắc bệnh dịch chết hơn một nửa, thiền khách khắp nơi vẫn đến đây tham học, dù chết cũng không hối hận. Sư vẫn an nhiên tự tại, giữ tâm bình thường, và giáo hóa người dân ở vùng này. Đến năm 1155, sư được vua Tống Cao Tông ân xá, năm sau mặc lại tăng phục, cà sa. Vua ra chiếu chỉ thỉnh sư đến trụ trì ở chùa Dục Vương.

Hai năm sau, vua lại ra chiếu thỉnh sư trở lại trụ trì giáo hóa ở núi Kính Sơn, tăng tục trở lại tham học như cũ. Bấy giờ sư được người đời kính trọng, tôn xưng gọi là Kính Sơn Đại Huệ Thiền sư, Kính Sơn Lão Nhân. Vua Tống Hiếu Tông khi còn làm Phổ An Quận Vương nghe danh tiếng của sư bèn sai người đến yết kiến sư. Thời gian sau vua và các quần thần cùng vào trong Kính Sơn nghe sư thuyết pháp và rất ngưỡng mộ, quy y với sư. Vua có đề hai chữ Diệu Hỷ ở trước am của sư để tỏ lòng thành kính và làm thơ tán thán đạo hạnh của sư. Sau khi lên ngôi, vua Tống Hiếu Tông bèn ban cho sư hiệu là Đại Huệ Thiền sư.

Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, sư có tài biện luận ích người sánh kịp, người tham vấn mỗi khi nghe sư giáo hóa liền khai ngộ, thông suốt bản tâm. Sư chủ trương đề xướng Thiền công án, thoại đầu; người học dựa vào đó để tham cứu, khởi nghi tình và cuối cùng đạt đến giác ngộ, kiến tánh. Đương thời pháp thiền công án của sư cùng với thiền mặc chiếu của Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác tông Tào Động phát triển rực rỡ song song với nhau.

Ngày 10 tháng 8 (1163), niên hiệu Long Hưng năm đầu, Sư gọi đồ chúng đến căn dặn rồi thị tịch, thị giả xin sư viết kệ. Sư bảo: " Không có kệ thì không chết được sao?" rồi cầm bút viết:

Sinh cũng chỉ thế ấy

Tử cũng chỉ thế ấy

Viết kệ cùng không kệ

Có gì là quan trọng.

Viết xong, Sư ném bút thị tịch, thọ 75 tuổi, 58 tuổi hạ, sắc phong thụy hiệu là Phổ Giác Thiền sư.

Đệ tử của sư đạt được giác ngộ rất nhiều, từ các hàng tăng, ni, cho đến các cư sĩ, quan lại triều đình, Nho sĩ, trong đó có 94 người đại ngộ được sư ấn khả và truyền pháp nối dòng Lâm Tế Chính Tông. Những vị đệ tử này về sau đều giáo hóa và phát triển Thiền Tông thịnh hành, là dòng pháp chủ lưu của Thiền phái Lâm Tế.

Các phẩm của sư để lại gồm có :

  1. Chính Pháp Nhãn Tạng (正法眼藏, 6 quyển): Nội dung thu nhặt lời nói, cơ duyên tham vấn của các bậc tôn túc xưa, tất cả gồm khoảng 100 thiên tắc công án và có thêm lời bình phẩm của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo dưới mỗi thiên công án. Trong này cũng ghi lại cơ duyên đàm đạo, hỏi đáp về Thiền giữa Thiền sư Đại Huệ với các tôn túc đương thời khi sư bị đày đến Hành Châu, do đệ tử nối pháp là Thiền sư Xung Mật Tuệ Nhiên ghi chép lại. Được thu vào Vạn Tục Tạng tập 118. Đến đời Minh, sa môn Tuệ Duyệt ở am Phổ Thiện và cư sĩ Xuân Môn- Từ Hoằng Trạch phụ thêm các bài tựa của Thiền sư Trạm Nhiên Viên Trừng và Lý Nhật Xuân rồi khắc lại.
  2. Đại Huệ Thiền sư Ngữ Lục (大慧普覺禪師語錄, 30 quyển): do Thiền sư Đại Huệ nói, đệ tử là Thiền sư Tuyết Phong Uẩn Văn ghi chép lại, được thu vào Đại Chính Tạng tập 47. Nội dung chia làm 7 phần, gồm Ngữ Lục ( quyển 1-9), Tụng cổ ( quyển 10), Kệ tụng ( quyển 11), Tán Phật Tổ (quyển 12), Phổ thuyết (quyển 13-18), Pháp ngữ(quyển 19-24) , Thư giải đáp về tu Thiền cho các đệ tử xuất gia, hàng cư sĩ, đại phu ( quyển 25- 30). Quyển sách này cận đại đã được một vị sư người Anh dịch ra tiếng Anh và phổ biến ở phương Tây với tiêu đề : Swampland Flowers: Letters and Lectures of Zen Master Ta Hui
  3. Đại Huệ Tông Môn Vũ Khố (宗門武庫, 1 quyển): do đệ tử nối pháp là Thiền sư Văn Thiện Đạo Khiêm biên soạn. Nội dung do Thiền sư Đại Huệ thu chép ngữ lục của những bậc cổ đức, thiền sư có cơ phong nhạy bén, cao vút trong việc tùy duyên tiếp vật lợi sinh, đồng thời thêm phần bình xướng của Thiền sư Đại Huệ, gồm 114 điều mục. Sách này từ xưa đến nay rất được các vị tăng sĩ Tông Lâm Tế ở đọc tụng.

Những tác phẩm này của sư rất có ảnh hưởng được lưu truyền rất rộng rãi trong tùng lâm Thiền tông Trung Quốc và được truyền sang các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Ở trong các tùng lâm Tông lâm Tế Nhật Bản người ta thường đọc tụng, nghiên cứu các tác phẩm của sư trong vấn đề tu Thiền và phương pháp thực hành Thiền công án, ở Triều Tiên Thiền sư Trí Nột là người đầu tiên thực hành và ảnh hưởng đường lối Thiền Thoại Đầu của Thiền sư Đại Huệ, sáng lập Thiền phái Tào Khê. Đến nay, các pháp ngữ, đường lối tham thoại đầu của Thiền sư Đại Huệ vẫn còn được ứng dụng và coi trọng ở trong các thiền viện Hàn Quốc. Ở Việt Nam, đời nhà Trần có cư sĩ Thiên Phong sang Việt Nam và mang bộ Đại Huệ Ngữ Lục này phổ biến rộng rãi. Các vị thiền tăng, cư sĩ đời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ,... đều chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Thiền phái Lâm Tế và bộ Đại Huệ Tông Cảo Thiền sư Ngữ Lục, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng phát triển và hình thành dựa trên tư tưởng của Đại Huệ Ngữ Lục.